Wednesday, March 15, 2017

6 Lý thuyết đàn Guitar tổng hợp cho người mới(bài đọc)

tài liệu lý thuyết guitar
Tài liệu lý thuyết Guiar tổng hợp hiện các bạn đang đọc đây hầu hết là lý thuyết được tổng hợp, nếu bạn có thắc mắc gì đó khi học đàn, thì tài liệu này có thể giúp được bạn. Hãy dùng tổ hợp phím "Ctrl+F" để search tìm kiếm nội dung bạn đang quan tâm. Biết đâu trong tài liệu này có thông tin ấy và nó giúp được bạn điều gì đó.

Tài liệu tự học Guitar tổng hợp này có 6 Bài lớn, và các mục nhỏ trong đó:
     Bài 1: Nhập môn - Tự học đàn Guitar
     Bài 2: Cao độ và trường độ âm thanh
     Bài 3: Hợp âm
     Bài 4: Nhịp điệu
     Bài 5: Vòng hợp âm và các bước đệm hát
     Bài 6: Mở rộng vòng hợp âm

 Bài 1: Nhập môn - Tự học đàn Guitar

Bạn thích đàn guitar, bạn muốn chơi đàn để đệm hát được những ca khúc mình yêu thích nhưng lại chưa gặp được sự chỉ dẫn cần thiết. Với mong muốn góp phần phát triển phong trào văn nghệ nói chung và chơi đàn guitar nói riêng, tôi viết lại những kinh nghiệm học đàn guitar của mình ra đây. Những kiến thức cũng như kinh nghiệm của tôi còn nhiều hạn chế và không phải là chuẩn mực, nếu có sai sót xin được lượng thứ. Xin cảm ơn!

Bài học nhập môn về Guitar
Thông thường, học bất kỳ một môn nào cũng đều nên biết qua về lịch sử của nó. Tuy nhiên, thời nay, nhờ sự tiện dụng của google, các bạn hoàn toàn dễ dàng tra cứu được lịch sử của cây đàn guitar cũng như lịch sử du nhập của nó vào Việt Nam như thế nào. Để không lãng phí thời giờ của các bạn, tôi xin đi thẳng vào ngay những công việc đầu tiên đối với một người mới tập khóa học guitar cần phải biết:
1. Biết sơ qua cấu tạo của cây đàn
2. Biết tư thế ngồi chơi đàn đúng đắn
3. Biết một vài quy ước để tiện cho việc nắm bắt các bài tập
4. Biết cách đặt bàn tay trên cây đàn một cách đúng đắn để dễ chơi

Sau đây tôi xin trình bày lần lượt từng phần

1. Cấu tạo cây đàn

Cây đàn guitar gồm một số bộ phận chính:
- Thùng đàn: là bộ phận cộng hưởng để giúp tiếng đàn phát ra to hơn
- Cần đàn: là bộ phận để gắn các phím đàn
- Ngựa đàn: nằm ở cuối thùng đàn để làm chỗ căng dây đàn
- Khóa đàn: nằm ở đầu chót cần đàn để cột dây đàn lại. Trên khóa đàn có các núm vặn để lên dây đàn
Về tổng thể, đàn guitar thông thường có 6 dây. Dây đàn có thể là dây sắt hoặc dây nylon. Đàn dây sắt ta gọi là đàn guitar acousic, đàn dây nylon gọi là đàn classic. Trên cần đàn bố trí các phím đàn bằng đồng gắn ngang lên cần. Từ đầu cần đàn đến chỗ giáp với thùng đàn có cả thảy 12 phím bấm. Từ đó cho đến hết có thể có 6 hoặc 7 phím nữa tùy thiết kế từng đàn.
Trên cây đàn guitar có 6 dây với độ to nhỏ khác nhau. Dây to nhất nằm trên cùng, dây nhỏ nhất nằm dưới cùng khi ta cầm đàn theo tư thế chơi đàn.

hình ảnh mô phỏng những phím đầu tiên của cần đàn.

2. Tư thế ngồi chơi đàn

Để chơi đàn được thuận tiện mà không bị mỏi cần biết tư thế ngồi chuẩn. Tư thế đó là đặt chân trái lên một bục cao hơn mặt đất từ 15 đến 20 cm. Ghế ngồi không được cao quá. Độ cao của ghế thích hợp là khi ngồi lên thì đùi song song mặt đất. Ta đặt chỗ eo đàn vào trên đùi trái sao cho cây đàn tạo một góc khoảng 30 đến 45 độ với mặt đất. Tay trái cầm cần đàn, tay phải tì cánh tay lên cạnh thùng đàn, đáy đàn nằm trên đùi phải. Với tư thế này ta tiếp xúc đàn ở 4 điểm ở đùi trái, đùi phải, bàn tay trái và cánh tay phải. Như vậy đàn được giữ chắc chắn nên thuận tiện cho ta trong lúc chơi đàn.

Tư thế chơi đàn guitar

Tuy nhiên, trong thực tế không phải khi nào cũng ngồi đúng tư thế được. Có khi trong các cuộc liên hoan văn nghệ ở công viên, bãi cỏ, không có điều kiện mang theo ghế và bục để chân. Khi đó, các bạn chỉ cần đặt tư thế nào cho mình thấy thoải mái nhất và chơi dễ nhất là được. Tất nhiên mới tập nên ngồi đúng để cho quen đã. Khi quen rồi thì ngồi sao cũng được.

3. Một vài quy ước

Các quy ước sau đây được dùng trong toàn bộ các bài tập tiếp theo mà tôi trình bày. Nó cũng được dùng trong một vài cuốn sách viết về phương pháp học guitar. Do vậy các bạn nên lưu tâm thuộc lòng để tiện nắm bắt.

a. Quy ước về dây đàn

Đàn guitar có 6 dây, từ dây nhỏ nhất đến dây to nhất ta quy ước nó là từ số 1 đến số 6. Nghĩa là dây mí là số 1, dây mì ở trên cùng là số 6. Các con số này được viết nằm trong vòng tròn. Mai sau, hễ thấy trong bản nhạc mà có ghi số 2 trong vòng tròn thì bạn đọc hiểu là người viết hướng dẫn rằng nốt nhạc bên dưới đó phải bấm ở trên dây số 2.

b. Quy ước về phím đàn

Dây buông ta ký hiệu số 0, còn từ phím số 1 trở đi người ta ký hiệu bằng chữ số La mã. Trong bức ảnh ở trên các bạn đã thấy rồi.

c. Quy ước về ngón bấm

Trong khi chơi đàn guitar, các ngón bên tay trái chỉ có ngón cái là không phải bấm. còn 4 ngón còn lại đều phải bấm lên các dây đàn. Để thuận tiện cho việc học cách sử dụng ngón bấm, người ta ký hiệu ngón trỏ là 1, ngón giữa là 2, ngón áp út là 3 và ngón út là 4. Lưu ý rằng ký hiệu ngón bấm thì không nằm trong vòng tròn còn ký hiệu các dây đàn thì là số nằm trong vòng tròn.

Bên bàn tay phải, các ngón được ký hiệu như sau: ngón cái là P, ngón trỏ là i, ngón giữa là m, ngón áp út là a. Có đôi lúc trong các bản nhạc cổ điển người ta còn dùng cả ngón út ví như bản Bèo dạt mây trôi do Nguyễn Thế An chuyển soạn. Tuy nhiên các trường hợp đó không nhiều. Ở lĩnh vực đệm hát cũng chưa cần thiết phải dùng ngón út nên các bạn chưa cần chú trọng điều này.

4. Cách đặt tay trên đàn

Ở trên các bạn đã biết hết các quy ước rồi. Từ đây tôi sẽ sử dụng các quy ước ở trên để trình bày quy tắc đặt bàn tay. Đối với một người khởi sự tập đàn guitar, trước hết phải biết cách đặt bàn tay trên đàn. Việc phải xây dựng những quy tắc đặt tay trên đàn là nhằm tạo ra một sự sắp xếp khoa học và thuận tiện để khi chơi đàn thì dễ dàng tiện lợi, người tập nên lưu ý.

Đối với bàn tay trái: Ngón tay cái đặt vào giữa mặt phía sau cần đàn, các ngón còn lại thì khum khum bấm trên dây đàn. Các ngón bấm trên đàn phải bấm thẳng góc 90 độ so với mặt phẳng cần đàn. Nếu không bấm như thế thì ngón tay sẽ chạm vào các dây bên cạnh khiến tiếng kêu của các dây đó bị rè.

Đối với bàn tay phải: ngón p phụ trách gảy 3 dây số 4, 5, 6, ngón i phụ trách dây 3, ngón m phụ trách dây 2, ngón a phụ trách dây 1.

Các bài tập thực hành


Bài 1: luyện ngón gảy bên tay phải
Đầu tiên nên đặt 3 ngón i, m, a vào vị trí 3 dây số 3, 2, 1 rồi gảy móc lên một lượt. Móc xong lại đặt vào. Đến khi nào không cần nhìn, nhắm mắt mà tay móc xong lại ngón nào đặt đúng vào dây đó không lộn xộn thì đã thành công rồi. Kế tiếp đó các bạn tập bài tập thứ 2 như sau: ngón p gảy lướt từ dây 6 xuống 5 xuống 4. Khi P gảy đến dây 4 thì i gảy móc dây 3, rồi m gảy dây 2, a gảy dây 1. Lúc này hoàn toàn là tập bàn tay phải và gảy trên dây buông nên bàn tay trái chưa phải làm gì cả.

Bài 2: Luyện ngón bấm tay trái kết hợp với ngón gảy bên tay phải

Khởi sự các bạn dùng ngón 1 tay trái bấm vào phím I dây 6 trong khi đó ngón p tay phải đánh xuống dây 6. Kế tiếp ngón 2 bấm phím II dây 6, ngón p tay phải đánh xuống. Với bài trước các bạn đã quen việc đánh bên tay phải rồi nên ở bài này chỉ quan tâm đến tay trái thôi. Hễ ngón tay trái bấm vào dây nào thì tay phải đánh xuống dây đó. Việc đánh thì theo quy luật ở bài số 1. Tức là nếu bấm dây 6,5,4 thì đánh bằng ngón P còn dây 3,2,1 thì lần lượt đánh bằng dây i, m, a. Mới đầu có thể nhầm lẫn hoặc là chỉ quen đánh bằng một ngón tay i hoặc m. Các bạn cứ kiên trì luyện tập, mỗi ngày chỉ cần tập bài tập này 10 phút nhưng ngày nào cũng tập thì chỉ 1 tuần là quen liền.

Để hoàn thành toàn bộ bài tập, các bạn lần lượt bấm từ ngón 1 đến ngón 4 từ phím I đến phím IV đối với cả 6 dây. Bấm xuôi xong thì tập bấm và đánh ngược lại. Khi thành thục ngón tay của các bạn ở cả hai bàn tay trái phải sẽ có cảm giác về dây. Nghĩa là hễ cần bấm thì tay trái bấm đâu tay phải đánh đó mà không cần mắt phải nhìn và vẫn biết mình đang bấm dây số mấy.
Chúc các bạn sớm vượt qua yêu cầu bài tập này.

Bài 2: Cao độ và trường độ âm thanh


I. Lý thuyết

Sau bài 1, các bạn đã có những kiến thức nhập môn về cây đàn guitar. Biết được các bài tập trên tay trái và tay phải rồi. Các bài tập bấm tập gảy này các bạn nên thường xuyên tập luyện hàng ngày mới có hiệu quả. Nhiều bạn thấy người ta chơi đàn nghe hay, ấm áp, thánh thót nên cũng mê tập nhưng khởi sự tập luyện thì thấy mình đánh nghe như dở hơi, chả ra bài vở gì ráo rồi sinh chán nản. Ở chỗ này tôi xin chia sẻ nhỏ là ai cũng như thế hết. Vận động viên điền kinh ban đầu cũng phải tập lẫy, tập bò, tập ngồi như ai. Nhưng trong tập đàn thì có cái hay là các bạn càng chăm chỉ tập đều đặn thì giai đoạn chán nản đó càng qua nhanh, cái hay ho càng mau đến.

Hôm nay tôi xin hướng dẫn các bạn một vài vấn đề có thể nói là không liên quan trực tiếp đến cây đàn và những kỹ thuật chơi đàn nhưng nó làm nền tảng cho các bạn trong việc học tập sau này trong âm nhạc nói chung. Bởi thế nên rất là quan trọng.

1. Cao độ

Tôi xin phép không trích dẫn sách nọ, định nghĩa kia mà nói nôm na về khái niệm này cho dễ hiểu. Cao độ tức là độ cao thấp của âm thanh.

Trước khi nói tiếp về cao độ, xin nói qua một câu chuyện khác về các hình nốt cơ bản trong âm nhạc. Trước đây âm nhạc của ông bà tổ tiên ta chỉ có 5 nốt gọi tên là: Hồ, Xừng, Sang, Xê, Líu. Đến khi người Âu đến nước ta thì ta mới theo âm nhạc của họ. Âm nhạc hiện nay ta đang giảng dạy trong các trường nhạc với các nốt đồ, rê, mi, fa, son là âm nhạc phương Tây truyền vào.

Trong âm nhạc phương Tây, người ta lấy 7 hình nốt cơ bản là: La, Xi, Do, Re, Mi, Fa, Son và ký hiệu cho các nốt đó từ A đến G. Có nghĩa là La (A), Xi (B), Do (C), Re (D), Mi (E), Fa (F), Son (G).

7 nốt nhạc này được sắp theo vị trí như trên là chuẩn. Có nghĩa là cứ sau La thì đến xi, do, re, mi, fa, son mà sau re thì phải đến mi, fa, son, la, xi, do... Cái này yêu cầu phải thuộc lòng có thể đọc xuôi đọc ngược được ngay khi nghĩ đến ở bất kỳ nốt nhạc nào. Ví dụ nghĩ đến nốt do có thể đọc xuôi được thành do, re, mi, fa, son, la, xi hoặc ngược lại là do, xi, la, son, fa, mi, re.

Cần phải thuộc làu như vậy để một thời gian nữa khi học đến việc chuyển giọng cho bài hát thì thuận lợi cho việc tính toán khoảng cách giữa các gam.

Bây giờ trở lại câu chuyện cao độ. Ta đã nói rằng cao độ là độ cao thấp của âm thanh. Vậy bây giờ lấy ví dụ nhé. Nốt la ở trước nốt xi vậy nốt xi cao hơn nốt La còn nốt la thấp hơn nốt xi. Theo thứ tự từ A đến G thì cứ nốt nào đứng sau thì cao hơn nốt đứng trước nó.

2. Trường độ

Trường độ là độ dài ngắn của âm thanh. Khi bạn đánh lên một nốt nhạc nếu bạn để nó ngân 10 giây rồi mới đánh nốt tiếp theo thì tức là trường độ của nó là 10 giây. Tất nhiên trong thực tế thì tiếng đàn guitar ngân được rất ngắn thôi chứ không phải thích ngân cả phút cũng được (:D).

Trong lúc chơi đàn chúng ta không dùng đơn vị đồng hồ để đếm trường độ mà thường là dùng số lần đập bàn chân. Khởi đầu ta nhấc mũi bàn chân lên chỉ để gót chạm đất rồi đập bàn chân xuống đất và nhấc lại vị trí cũ. Một lần đập xuống rồi nhấc lên như vậy ta gọi là một phách.

Ký hiệu cho trường độ ở trong bản nhạc như sau. Nốt tròn là ngân lâu nhất. Một nốt tròn bằng hai nốt trắng, bằng 4 nốt đen, bằng 8 móc đơn, 16 móc đôi, 32 móc ba, 64 móc bốn.

Đây là hình minh họa việc phân chia trường độ nhưng ở đây mới chỉ phân chia đến nốt móc đôi.

Người ta cũng lấy nốt đen bằng giá trị một cái đập chân. Như thế thì khi gặp nốt tròn các bạn đánh rồi đập 4 đập mới đánh qua nốt khác. Tương tự trắng thì 2 đập, đen thì 1 đập, móc đơn thì nửa đập nghĩa là đập chân xuống đất đánh một nốt lúc nhấc chân lên đánh tiếp nốt nữa. Móc đôi thì trong một đập phải đánh 3 nốt. Móc 3 thì trong nửa đập phải đánh 4 nốt. Trong kỹ thuật chơi đàn guitar thường chỉ gặp đến nốt móc 3 trong những khi sử dụng kỹ thuật tremolo thôi.

II. Thực hành

Ở trên tôi đã trình bày một cách giản lược về hai khái niệm cao độ và trường độ trong âm nhạc. Tôi hứa sẽ viết các bài đọc thêm kế sau bài này để trình bày rõ thêm về những vấn đề xung quanh cho các bạn hiểu thêm. Bây giờ là đến những bài tập để các bạn ứng dụng hai lý thuyết vừa học.

Trong Bài số 1, các bạn đã tập bài tập tổng hợp ngón bấm và ngón gảy. Bây giờ các bạn tiếp tục sử dụng ngay bài đó để tập trường độ. Để đơn giản các bạn tập nốt đen trước. Cứ đánh một nốt thì đập một đập. Lưu ý là phải làm sao cho khoảng thời gian giữa các lần đập xuống bằng nhau. Bạn nào còn chưa bấm tay trái và gảy tay phải thuần thục thì sẽ thấy hơi ngượng nghịu vì phải kết hợp thêm cái bàn chân đập nữa.
Nếu như thế thì hãy tập lại cho ngón bấm tay trái và ngón gảy tay phải thuần thục đã rồi hãy kết hợp thêm bàn chân. Khi các bạn chân đập, tay nọ bấm tay kia gảy mà lưu loát không vướng bận gì thì đã đạt được thành công một bước. Lúc này tập thêm các loại nốt ngắn hơn như nốt móc đơn hoặc các nốt dài hơn như nốt trắng chẳng hạn.

Đến đây các bạn đã hiểu được thế nào là trường độ rồi. Sự chuẩn bị này tốt đẹp thì sẽ thu được thành quả mau chóng và chắc chắn ở bước tiếp theo. Chúc các bạn luyện tập hiệu quả.

Bài 3: Hợp âm


Trong tiến trình học tập chơi đàn guitar, sau khi đã biết bấm ngón trái và gảy ngón phải một cách thuần thục, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển thêm kỹ năng ngón tay trái bằng việc tập bấm các hợp âm.

1. Hợp âm là gì?
Trong thực tế ta hay gọi từ Gam để chỉ các hợp âm. Thực chất từ gam là một từ vay mượn trong thuật ngữ Mỹ thuật. Người ta hay nói các gam màu nóng, gam màu lạnh... Trong cách gọi đúng của nó, ta phải gọi là các hợp âm.

Hợp âm tức là một tập hợp các âm thanh được phối hợp theo một quy luật nhất định. Trong khuôn khổ chương trình tiếp cận nhanh chóng các kỹ thuật guitar này, chúng ta chưa cần quan tâm vội đến các quy luật đó mà chỉ biết qua về khái niệm hợp âm.

2. Hợp âm có tác dụng gì

Trong đệm hát đơn giản, chỉ có 2 việc phải làm đó là tay trái bấm hợp âm và tay phải đệm theo các nhịp điệu cho phù hợp với giai điệu bài hát. Do vậy, việc bấm hợp âm cần phải tập luyện cho thật thuần thục. Thế nào là thuần thục. Trong hình dưới đây là một số hợp âm cơ bản. Khi các bạn chọn một hợp âm nào đó để tập bấm. Để tự kiểm tra xem ta bấm đã chuẩn chưa thì các bạn bấm các ngón tay theo hình rồi dùng ngón tay cái gạt từ trên xuống dưới (từ dây số 6 xuống dây số 1). Khi nào mà tất cả các dây đều phát ra các tiếng kêu rõ ràng, không bị câm, không bị rè thì tức là đã bấm được hợp âm đó.

Ví dụ hợp âm C. Trong hợp âm này ta chỉ bấm các dây số 5, 4, 2 còn các dây số 6, 3, 1 là dây buông. Khi bấm hợp âm này các bạn cần lưu ý làm sao cho ngón tay bấm dây không chạm vào các dây bên cạnh. Nếu để chạm thì có thể làm cho các dây đó tiếng kêu bị rè hoặc không kêu (câm).

Nhưng bấm được hợp âm để đánh lên kêu cả 6 dây mới chỉ là bước 1. Tiếp theo còn cần phải chuyển qua chuyển lại các hợp âm. Bạn đang bấm ở hợp âm C rồi gạt nhanh một cái, sau đó bấm qua hợp âm F, gạt một cái. Khi mới tập đơn lẻ từng hợp âm các bạn gạt chầm chậm từng dây một nhưng đến lúc tập kết hợp các hợp âm với nhau thì phải gạt nhanh hơn. Do đó tay trái chuyển từ hợp âm này sang hợp âm kia cần phải nhanh và gọn gàng. Khi nào tập đến mức chỉ cần nghĩ tới hợp âm nào đó là tay đã chuyển sắp xếp được đúng vào các vị trí của hợp âm đó trên cần đàn thì mới có thể đệm hát được. Ở mức độ đó, các bạn chỉ cần kết hợp với ngón gảy tay phải nữa là có thể đệm cho người ta hát được rồi.

3. Tên gọi các hợp âm

Ở hình trên các bạn đã nhìn thấy 6 hợp âm với các ký hiệu. Ở bài số 1 các bạn đã biết A, D, E, C, G, F là tên gọi các nốt La, Re, Mi, Do, Son, Fa. Sau đây là quy ước tên gọi của hợp âm.

Hợp âm lấy tên gọi theo tên cái nốt nhạc chủ âm của nó. Nhưng hợp âm thì có 3 loại cơ bản: trưởng, thứ, bảy. Nếu hợp âm trưởng thì chỉ viết 1 chữ cái in hoa. Ví dụ như ở trên ta có F và C lần lượt là hợp âm Fa trưởng và hợp âm Do trưởng.

Hợp âm thứ thì viết thêm chữ m vào sau chữ cái in hoa. Như trên thì Em, Am, Dm sẽ là Mi thứ, La thứ, Re thứ. Tương tự thì G7 sẽ là Son 7.

Về tính chất các hợp âm thì hợp âm trưởng tạo cảm giác vui tươi, linh hoạt. Hợp âm thứ tạo cảm giác chậm chạp, buồn bã. Hợp âm 7 là hợp âm trung tính.

4. Bài tập

Ở hình trên có 6 hợp âm, các bạn lần lượt tập cả 6 hợp âm đó theo cách đã hướng dẫn ở mục 2. Khi nào bấm và chuyển từ hợp âm nọ qua hợp âm kia một cách tùy ý là đạt yêu cầu. Ở đây xin nói thêm về cách sắp xếp ngón tay.
- Hợp âm C: Ngón 1 bấm phím 1 dây 2, ngón 2 bấm phím 2 dây 4, ngón 3 bấm phím 3 dây 5 (Nếu không biết hoặc quên ngón nào là ngón 1, 2, 3, 4 thì các bạn đọc lại bài tự học guitar số 1 đã hướng dẫn cặn kẽ)
- Hợp âm F: Ngón 1 chặn cả 6 dây ở phím 1, ngón 2 bấm phím 2 dây 3, ngón 3 bấm phím 3 dây 5, ngón 4 bấm phím 3 dây 4
- Hợp âm G7 cũng chỉ dùng 3 ngón 1,2,3 như hợp âm C. Ngón 3 bấm dây 6, ngón 2 bấm dây 5, ngón 1 bấm dây 1 theo hình vẽ.
- Hợp âm Am: Ngón 1 bấm phím 1 dây 2, ngón 2 bấm phím 2 dây 4, ngón 3 bấm phím 2 dây 3
- Hợp âm Dm: Ngón 1 bấm phím 1 dây 1, ngón 2 bấm phím 2 dây 3, ngón 3 bấm phím 3 dây 2
- Hợp âm Em: Ngón 2 bấm phím 2 dây 5, ngón 3 bấm phím 2 dây 4

Bài 4: Nhịp điệu


Ở bài trước các bạn đã được hướng dẫn về hợp âm. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các nhịp điệu.

1. Thế nào là nhịp điệu?

Chúng ta thường nghe bài hát này ở nhịp 4/4, ca khúc nọ nhịp 2/4. Các nhịp thường thấy nhất là 3/4, 2/4, 4/4, 6/8, 3/8. Sau đây chúng ta làm rõ ý nghĩa các loại nhịp trên. Trong cách viết trên thì mẫu số là con số để xác định giá trị trường độ còn tử số là con số xác định có bao nhiêu nốt ở trong một ô nhịp.

Lấy ví dụ bản nhạc ghi nhịp 3/4 thì số 4 xác định rằng bản nhạc đó lấy giá trị của nốt đen làm chuẩn còn số 3 ở tử số thì cho biết rằng trong 1 ô nhịp sẽ có 3 nốt đen. Mặc dù là không phải khi nào trong ô nhịp cũng toàn là nốt đen, nó có thể là nốt móc đơn, móc kép hay nốt trắng nhưng khi tính tổng cộng thì phải bằng giá trị 3 nốt đen.

Hoặc nhịp 6/8 thì số 8 xác định rằng giá trị trường độ chuẩn được lấy là nốt móc đơn và trong 1 ô nhịp sẽ có 6 nốt móc đơn. Dù viết trong một ô nhịp là loại nốt gì thì tính tổng cộng lại cũng phải bằng 6 nốt móc đơn.

Các bạn trông qua dòng nhạc thứ hai. Các ô nhịp có số nốt nhiều ít khác nhau nhưng tính tổng giá trị trường độ lại thì vẫn bằng 2 nốt đen

Ở trên là nói tới nhịp phách của bản nhạc. Sau đây mới đi vào vấn đề nhịp điệu cụ thể trong kỹ thuật chơi guitar.

Những người học guitar theo lối truyền tay rất quan tâm tới nhịp điệu. Khi tôi mới học guitar, được một người bạn học dạy cho. Anh bạn cũng là học lỏm được từ một người anh học trường sư phạm nghệ thuật. Tôi nhớ nhịp điệu đầu tiên được học là slow rock rồi sau đó là bolero nhưng lúc đó chưa biết nó là bolero mà cứ gọi là điệu xẩm vì thấy cái đĩa nhạc chế nó chơi điệu ấy để đệm những bài nhạc chế...

Lúc đó rất ham học điệu bởi vì có biết nhiều điệu mới đệm được nhiều bài chứ chỉ biết mỗi điệu slow rock thì chỉ đệm được một vài bài hát rất hạn chế thôi.

Thực vậy, mỗi nhịp điệu được viết trên một nhịp phách nhất định. Mà các bài hát thì cũng viết ở các nhịp phách khác nhau. Ví dụ như điệu slow rock chơi ở nhịp 6/8. Nếu bạn đem điệu này mà đệm cho bài mặt trời  bé con viết ở nhịp 2/4 trong hình trên thì sẽ bị khớp. Dĩ nhiên cái khớp sẽ xảy ra khi miệng bạn hát theo cách viết của nhịp 2/4 còn tay lại đánh điệu ở nhịp 6/8. Còn nếu bạn chuyển lại, hát theo kiểu của nhịp 6/8 thì vẫn có thể xuôi được nhưng có hay hay không thì lại là câu chuyện khác.

Qua những câu chuyện hơi dài dòng trên, các bạn có thể đã tự nhận ra vì sao mỗi bài hát phải có một điệu để sử dụng cho thích hợp. Ấy là vì giữa điệu và bài hát có cái sợi dây liên quan là nhịp mà bài hát đó sử dụng. Nếu một bài hát viết ở nhịp 2/4 thì cứ hết 2 nốt đen nó sẽ lặp lại một phách mạnh. Tương ứng trong câu hát thì đó là những từ được nhấn mạnh. Xin lấy ví dụ câu đầu bài mặt trời bé con: Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi.

Phân tích theo nhịp phách ta thấy rằng trong câu hát trên gồm có 6 ô nhịp như sau: Ngoài / kia có cô / bé nhìn qua / khe nghe tiếng / đàn của / tôi. Trong câu hát đó, các bạn tự hát lên thì thấy rằng từ "kia" , "bé", "khe", "đàn", "tôi" là những từ được nhấn mạnh hơn các từ còn lại.
Ta lấy ví dụ điệu blue là điệu viết trên nền nhịp 2/4. Tôi sẽ viết phần đệm bằng điệu blue cho câu hát này làm ví dụ minh họa:

Trong đệm hát guitar, điểm quan trọng nhất là ở những chỗ nhấn đó bạn phải đánh vào những dây trầm của đàn (gồm dây 4, 5, 6) nếu các bạn không thể tạo được sự ăn khớp đó thì tay đàn và miệng hát sẽ rời rạc không liên hệ nhau.

2. Một số nhịp điệu

Sau khi đã đọc qua mối liên quan trên, mời các bạn cầm đàn thực hành những bài tập nhịp điệu trên đàn guitar:

(a) điệu slowrock - nhịp 6/8
về ngón tay phải: đánh lần lượt : p i m a m i
Dưới đây là minh họa:

(b) điệu blue - nhịp 2/4
Ngón tay phải: p i ma i. Chú ý là m và a cùng gảy hai dây một lúc
Minh họa:

Tập thành công 2 nhịp điệu này các bạn đã có thể ứng dụng để đệm được nhiều bài nhạc trịnh vì nhạc trịnh đa số đều đệm được nhịp 6/8 còn điệu blue thì những bài như hòn đá cô đơn, cô bé mùa đông, tuổi hồng thơ ngây đều dùng rất hợp.

Một lưu ý là khi tập điệu các bạn nên nhớ thuộc lòng cả cái nhịp mà điệu đó sử dụng để sau này học đến phần tự xây dựng phần đệm cho một bài hát thì thuận tiện. Khi đó các bạn phải nghe ca sĩ hát trong clip rồi xác định nhịp của bài hát là gì. Xác định được nhịp rồi là hình dung ra được điệu nào thì thích hợp để đệm.

Bài 5: Vòng hợp âm và bước đầu đệm hát

Cho đến bài hôm nay, chúng ta đã biết qua các hợp âm và hai nhịp điệu là Slowrock và blue. Ngày hôm nay chúng ta tiếp tục phát triển thêm bài học trước với nội dung là tìm hiểu sâu hơn về hợp âm và các kỹ năng đệm hát.

1. Vòng hợp âm là gì?

Chúng ta đã biết đệm đàn guitar ở mức độ cơ bản chính là sự kết hợp giữa hợp âm và nhịp điệu. Tay trái bấm hợp âm, tay phải gảy nhịp điệu. Nhưng có phải bấm bất kỳ hợp âm nào cũng được không? Xin trả lời là không phải như vậy. Mỗi bài hát được nhạc sĩ sáng tác ở một giọng khác nhau hay nói dễ hiểu hơn là với mỗi bài hát ở các gam khác nhau.

Có bài viết ở giọng trưởng có bài viết ở giọng thứ. Bài ở giọng trưởng thì hợp âm chủ của nó là hợp âm trưởng, tương tự với hợp âm thứ.

Đối với mỗi một âm chủ lại có những hợp âm khác đi kèm theo nó. Các hợp âm đi theo đó được xây dựng theo một quy luật cụ thể. Tập hợp của tất cả các hợp âm đi kèm âm chủ đó ta được một vòng hợp âm. Đối với bất kỳ một bài hát nào, chỉ cần xác định được âm chủ của nó thì các bạn đã có thể hình dung ra được các hợp âm cần dùng để đệm bài hát ấy rồi. Do tính chất quan trọng của vòng hợp âm như vậy nên cần phải thuộc các vòng hợp âm.

Việc xác định các vòng hợp âm gồm những hợp âm nào là có công thức hẳn hoi tuy nhiên ở bài này xin phép chưa nói đến vội mà tạm thời cung cấp ra đây cho các bạn một vòng hợp âm dễ bấm nhất và quen thuộc nhất để cho các bạn sử dụng nó đệm hát được một vài bài hát đã. Sau này chúng ta sẽ còn quay lại để làm rõ hơn, sâu hơn về chủ đề này.

Sau đây là những hợp âm nằm trong âm giai Đô trưởng hay gọi theo cách của chúng ta là vòng hợp âm đô trưởng. Vòng này gồm hợp âm C, F, G7 (có thể dùng G để thay cho G7) Am, Dm, Em. Đối với 1 bài hát ở giọng đô trưởng ta chỉ cần tìm trong 6 hợp âm này là đủ.

Thông thường thì các bài hát viết ở nhiều giọng khác nhau nhưng chúng ta không hát được như ca sĩ nên ta thường hát thấp hơn họ. Và việc ko hát đúng như giọng của ca sĩ cũng không phải là chuyện lớn. Sau này chúng ta sẽ học kỹ thuật dịch giọng để đưa các bài hát ở các giọng khác về giọng nào đó cho phù hợp với khả năng của mình.

Giờ đây các bạn hãy học thuộc lòng 6 hợp âm trên. Sau đó thuộc làu cách bấm của nó trên cần đàn. Đến khi cần tập một bài hát nào đó, các bạn sẽ hát từng câu hát lên rồi ở những điểm nhấn của nó thì gạt một lượt hợp âm để xem hợp âm đó có hợp với câu hát không thì ta chọn. Cứ như thế cho đến khi ta chọn được các hợp âm cho cả bài. Cách này ta gọi là cách học mò mẫm nhưng trong tình huống nhiều bạn thích chơi guitar mà không biết nhạc lý thì cách này là hữu dụng nhất, rất trực quan, thực tế. Làm nhiều thành quen sẽ nhanh thôi.

2. Kỹ năng đệm hát

Trong bài số 4 vừa rồi chúng ta đã có biết sơ sơ là khi đệm hát thì phải làm sao cho những điểm nhấn của câu hát tương ứng với tiếng trầm của nhịp điệu. Ở đây cũng không còn gì để nói thêm. Đây là chỗ cần sự trực quan, miêu tả vừa dài dòng vừa khó hiểu. Tôi sẽ làm 1 clip minh họa để cho các bạn tham khảo.



Bài 6: Mở rộng hợp âm



Trên cây đàn guitar có tổng cộng 19 phím đàn, trong đó có 12 phím phía ngoài thường dùng, 7 phím nằm về phía gần lỗ cộng hưởng ít được dùng hơn khi đệm hát thông thường.

Trên bất kỳ cây Guitar nào cũng có những cái chấm màu trắng để đánh dấu vị trí các thế tay. Có khi cái chấm đó nằm ngay trên mặt cần đàn và cũng có khi nó nằm ở mép cần đàn. Các chấm này được đặt một cách hữu ý chứ không phải chỉ là vật trang trí. Tính từ đầu cần đàn trở vào đến thùng đàn có cả thảy 5 cái chấm.

Vị trí của chúng nằm lần lượt ở phím số 3, 5, 7, 9, 12. Tác dụng của các phím đó để làm gì vậy? Rất đơn giản, khi bạn đang đệm một ca khúc hoặc độc tấu một bản nhạc,  bạn sẽ phải dịch chuyển bàn tay trái qua nhiều vị trí khác nhau trên cần đàn. Các chấm đó giúp bạn có thể tìm đến được phím hoặc nốt mà bạn cần bấm một cách dễ dàng.

Sau đây là mối liên hệ trực tiếp giữa các phím trắng ấy với các hợp âm.

Ở bài trước chúng ta đã biết mấy hợp âm căn bản là Am, Dm, Em, C, E. Những hợp âm này đều có một đặc điểm là trong những nốt cấu thành nên chúng có những nốt không cần bấm. Ví dụ như hợp âm Am thì chỉ phải bấm ngón trỏ vào phím số 1 của dây 2, ngón giữa vào phím số 2 của dây 4 và ngón áp út vào phím số 2 của dây 3. Như thế các dây 1, 5, 6 là để dây buông. Tương tự các bạn quan sát các hợp âm Dm, Em, C, E sẽ thấy.

Dây buông ta tạm coi nó là phím số 0. Ta lấy hợp âm Am làm ví dụ để phân tích tiếp. Nếu giờ đây ta cộng thêm vào mỗi ngón tay 2 phím nữa thì ta được phím 3 dây 2, phím 4 dây 3 và phím 4 dây 4. Vì ở Am có các dây buông nên khi cộng 2 phím các bạn cũng phải lấy 0 + 2 thì ta được dây số 1, 5, 6 là phím số 2. Để bấm hợp âm này, các bạn dùng ngón chỏ trái chặn cả 6 dây còn ngón 2 thì bấm phím 3 dây 2, ngón giữa bấm phím 4 dây 4, ngón út bấm phím 4 dây 3. Ta được hợp âm này gọi là hợp âm Bm ( Si thứ).

hợp âm Bm (si thứ)

Với cách làm như thế các bạn làm với các hợp âm Dm và Em, E, C thì ta sẽ được các hợp âm trưởng và thứ khác phong phú hơn rất nhiều.

Tại sao lại là cộng 2 phím, nếu chỉ cộng 1 phím thì nó là hợp âm gì? Nếu chỉ cộng 1 phím thì ta sẽ được hợp âm si giáng thứ. Để nói rõ về điểm này, xin nhắc lại một chút: Trong âm nhạc có 7 hình nốt từ A đến G xếp thành 1 vòng tròn nhưng lại chỉ có 6 cung. Như thế rõ ràng là sẽ phải có những nốt nào đó chỉ cách nhau có nửa cung chứ ko phải 1 cung. Các nốt đó là Si và do, Mi và fa.

Nếu từ nốt la (A) sang nốt si (B) còn có nốt la # (thăng) và nốt si b (giáng) và về cao độ thì la #  = si b tức là còn 1 nốt ở giữa nhưng giữa mi fa và si do thì không có những nốt giữa đó. Mi # chính bằng Fa, và Fa giáng chính bằng mi, tương tự si thăng là do mà do giáng là si.

Trên cây đàn guitar, điều đó được thể hiện ra là: Mỗi một phím đàn là 1 nửa cung cho nên nếu nốt do nằm ở phím 1 của dây 2 thì nốt re sẽ nằm ở phím số 3 của dây đó nhưng nốt Si thì chính là đánh dây buông của dây 2.

Cấu trúc của cây đàn guitar khi đánh các dây buông từ trên xuống ( tức là gạt từ dây 6 xuống dây 1) sẽ được các nốt: Mì, là, rề, son, si, mí. Từ các âm mặc định này, các bạn tự tính toán trên cần đàn thì sẽ biết được hết các nốt còn lại trên các dây. Và cũng từ điểm này các bạn có thể hiểu được tại sao khi người ta lên dây, người ta lại bấm vào phím số 5 của dây 2 rồi đánh cả 2 dây 1 và 2 xem có bằng nhau chưa. Bởi vì phím 5 của dây 2 khi chỉnh dây cho đúng thì sẽ là nốt mi = nốt mi buông của dây 1.

Giống như cách tính các nốt nhạc, để dịch các hợp âm từ hợp âm buông sang hợp âm chặn ta cũng tính như thế. Ví dụ như Em khi dịch thêm 1 phím thì được Fm, dịch 3 phím thì được Gm. Ban đầu tất nhiên chưa quen thuộc thì mỗi lần muốn tìm các hợp âm các bạn phải mất công xoay cái cần đàn lại mà đếm rồi bấm nhưng khi quen mắt rồi thì các bạn sẽ tìm nhanh thôi. Và khi đó chỉ cần nhìn các chấm là các bạn dịch chuẩn.
Này nhé, sau cái chấm đầu tiên thì là phím 4, sau cái chấm thứ 2 là phím 6... Giờ các bạn đã hiểu cái chấm trên đàn của mình chưa nào.


Với những điều nói trên đây, các bạn đã biết cách tự tìm các hợp âm phổ biến ở trên cây đàn rồi. Giờ đây muốn đệm ca khúc nào, nếu các bạn chưa thể tự xây dựng các hợp âm thì có thể lên mạng tìm các bản mà người ta đã vẽ hợp âm sẵn rồi dò theo các hợp âm đó mà đệm thì không còn vấn đề gì nữa.

6 Lý thuyết đàn Guitar tổng hợp cho người mới(bài đọc) Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Hạ du

0 comments:

Post a Comment